Cán bộ Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước mặt ở thành phố Việt Trì
Phú Thọ là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi có hệ thống các sông lớn như sông Đà, sông Thao, sông Lô với lưu lượng khoảng 119 tỷ m3/năm, ngoài ra còn có 130 con sông, suối nhỏ cùng hàng nghìn ao, hồ phân bố khắp trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế và tính toán nguồn nước cả ba con sông nói trên hoàn toàn đáp ứng được cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh ngay cả trong mùa khô. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về tài nguyên nước dưới đất cho thấy: Phú Thọ có tầng chứa nước lỗ hổng rất phong phú nước được phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng (Việt Trì, Lâm Thao, Bãi Bằng…), chất lượng nước tốt, trữ lượng lớn. Ngoài ra tầng chứa nước khe nứt trong trầm tích Proterozoi cũng khá giàu nước, chất lượng nước cũng đáp ứng được nhu cầu, trữ lượng khai thác đã được thăm dò xếp cấp B là 9.106 m3/ngày; cấp C1 là 15.246 m3/ngày.
Tuy nhiên, trên một khía cạnh khác, tài nguyên nước cũng đặt ra cho tỉnh nhà nhiều thách thức: Các công trình thủy lợi chưa đủ năng lực điều hòa nguồn nước. Xuất hiện các vấn đề ô nhiễm nguồn nước liên tỉnh. Đặc biệt, nhu cầu dùng nước tăng lên mạnh mẽ cùng với quá trình đô thị hóa dẫn đến tình trạng khó kiểm soát việc khai thác nguồn nước và xả thải bừa bãi ra môi trường nước: Nước thải từ hoạt động nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các hóa chất của phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chăn nuôi thải ra hệ thống kênh rãnh nội đồng và các con sông lớn. Nước thải sinh hoạt của các cụm dân cư chưa có hệ thống xử lý tập trung. Nước thải của các làng nghề do không được xử lý và thu gom gây ô nhiễm nguồn nước thủy vực tiếp nhận, đặc biệt với các làng nghề sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột tại huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Phù Ninh... Nhiều nhà máy, xí nghiệp và các khu công nghiệp hoạt động với lượng nước tiêu thụ hằng năm rất lớn nhưng phần đông chưa có biện pháp bảo vệ nguồn nước một cách hiệu quả. Kết quả quan trắc môi trường năm 2016 cho thấy lượng nước mặt ở các đầm hồ, các sông chảy qua địa bàn tỉnh đã bị ô nhiễm khá nặng bởi các chất hữu cơ khó phân hủy, các chất rắn lơ lửng gây tác động lớn đến đời sống sinh hoạt của một bộ phận người dân quanh khu vực ô nhiễm. Nhiều dòng sông vốn rất trong xanh giờ bị ô nhiễm nghiêm trọng như sông Ngòi Lao, Suối Cái, thượng nguồn sông Lô, sông Chảy gây ảnh hưởng đến các hộ dân vùng hạ lưu.
Thời gian qua, mặc dù việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tỉnh ta đã đạt được những kết quả nhất định nhưng một số bất cập vẫn còn tồn tại, như công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa thực sự sâu rộng. Sự quan tâm về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước đối với cấp huyện, cấp xã chưa đúng mức và chưa thực sự chú trọng. Khó khăn nhất hiện nay với công tác cấp phép, quản lý tài nguyên nước là hiện chưa có quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh và lưu vực sông liên tỉnh nên rất khó khăn cho công tác quản lý. Quản lý bền vững tài nguyên nước chỉ có thể thực hiện được khi nắm rõ các thông tin về xu hướng, tính định lượng, chất lượng và trữ lượng nước của khu vực theo thời gian trong khi công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước và thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh còn thiếu dẫn đến thiếu thông tin, số liệu phục vụ công tác quản lý về tài nguyên nước.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Phú Thọ đến năm 2030 phù hợp với chiến lược quốc gia về tài nguyên nước; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ và các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh, quy hoạch các huyện, thị xã, thành phố... Trên cơ sở các số liệu cụ thể, quy hoạch ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nướctheo thứ tự: Nhu cầu nước cho sinh hoạt; nhu cầu nước cho du lịch, dịch vụ; nhu cầu nước cho công nghiệp; nhu cầu nước cho nông, lâm, thủy sản. Quy hoạch cũng xác định ngưỡng giới hạn về lượng, nồng độ chất ô nhiễm tại nguồn thải và nguồn tiếp nhận nước thải của các sông, suối nhằm đáp ứng mục đích sử dụng nước và quy định yêu cầu chất lượng nước thải sinh hoạt của các khu dân cư tập trung, nước thải của các khu công nghiệp, nước thải y tế phải xử lý đạt tiêu chuẩn. Xácđịnh chỉ sốhạ thấp mực nước, ngưỡng giới hạn khai thác củanước dưới đất tại các khu vực có nguy cơ cạn kiệt. Kiểm soát hoạt động khai thác nước khoáng nóng Thanh Thủy, đảm bảo 100% các công ty khai thác nước khoáng phải có giấy phép, các hộ gia đình khai thác phải đăng ký khai thác nước với chính quyền địa phương.
Hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra nhấn mạnh: Phòng chống tác hại do lũ tại các khu vực có nguy cơ lũ quét cao ở các xã, huyện vùng cao thuộc huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và một số khu vực như huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê. Phòng chống tác hại do hạn hán cho các khu vực có nguy cơ cao bị hạn hán tại Đoan Hùng, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập. Phòng chống và khắc phục sụt lún đất cho các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sụt lún tại các xã Ninh Dân, Đồng Xuân, Yên Nội, Chí Tiên và thị trấn Thanh Ba thuộc huyện Thanh Ba…
Quy hoạchtài nguyên nước tỉnh Phú Thọ đến năm 2030 sẽ được xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ Năm - HĐND tỉnh khóa XVIII. Quy hoạch có có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang bị đe dọa, tình trạng suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang ngày càng xuất hiện ở nhiều lưu vực sông. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.